Bộ trang phục Tây Nguyên nhóm F Band biểu diễn trong đêm 12/10 có phần khố giống hệt khăn đội đầu của phụ nữ dân tộc Thái.
Trong đêm bán kết Nhân tố bí ẩn (hay X-Factor) tại TP HCM vào 12/10, nhóm F Band khuấy động chương trình với liên khúc Ngọn lửa cao nguyên, Còn yêu nhau thì về Buôn Mê Thuột, Đôi mắt Pleiku. Để thể hiện tinh thần ba bài hát về Tây Nguyên, bốn chàng trai quyết định mặc áo, đóng khố giống người dân tộc.
Tuy vậy, bộ trang phục F Band sử dụng trong đêm 12/10 gây ra nhiều tranh cãi bởi phần khố có thêu họa tiết giống khăn Piêu. Một số ý kiến cho rằng đây là hành động phản cảm bởi khăn Piêu vốn là vật đội đầu linh thiêng của dân tộc Thái.
Chiếc khố của bốn thành viên nhóm F Band có họa tiết giống khăn Piêu. Ảnh: Mr Bill. |
Trao đổi với VnExpress, Nhật Minh – trưởng nhóm F Band, cho biết: “Hầu hết trang phục của nhóm đều nhờ ban tổ chức X-Factor thuê hộ. Trước đêm bán kết 12/10, do chúng tôi đổi bài giữa chừng nên không có thời gian để ý trang phục, chỉ tập trung cho nội dung bài thi. Lúc nhận được phản hồi tiêu cực, tôi mới tá hỏa, liên tục viết lời xin lỗi trên fanpage của nhóm. Sự việc lần này cũng là một phần lỗi của nhóm. Tôi mong khán giả sẽ tha thứ cho sự thiếu cẩn thận và thiếu hiểu biết này”.
Về phần mình, đại diện nhà sản xuất chương trình “Nhân tố bí ẩn” thừa nhận sai sót vì không hiểu hết các loại họa tiết được dùng trong trang phục dân tộc, cụ thể ở đây là khăn Piêu. Vì vậy, họ cũng không lường trước được phản ứng của khán giả.
Người đại diện cho biết trang phục nhóm F Band mặc hôm 12/10 được ê-kíp thuê hai ngày trước đêm diễn tại Nhà sách Tuổi Trẻ, thuộc Nhà văn hóa Thanh Niên TP HCM. Nhóm F Band và ban tổ chức ban đầu yêu cầu rõ là muốn thuê trang phục của dân tộc Bana hoặc Ê Đê. Sau khi xem xét, họ quyết định lấy đúng set đồ được Nhà sách Tuổi Trẻ đề xuất trên website.
Đến khi nhận được phản hồi của khán giả sau đêm diễn, ê-kíp lập tức tìm hiểu lại về bộ trang phục đã thuê. “Phần khố được thêu bằng họa tiết chiếc khăn Piêu chứ không phải lấy khăn Piêu làm khố. Loại họa tiết này bên cạnh làm khăn còn được các đồng bào dân tộc dùng để thêu trên quần áo”, người này nói thêm.
Khăn Piêu vốn được coi là vật đội đầu thiêng liêng của phụ nữ người Thái ở Tây Bắc. |
Tuy nhiên, Linh Nga Niê K’Đăm, nhạc sĩ người Ê đê chuyên nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên, khẳng định với VnExpress: “‘Chiếc khố này chính là khăn Piêu. Tôi thấy chúng còn nguyên cả những nút thắt bằng vải ở đầu khăn. Ở góc độ người thiểu số, tôi thật sự sốc khi thấy khăn Piêu, một trong những hiện vật của văn hóa Thái, bỗng bị biến thành chiếc khố. Tuy vậy, với tư cách là khán giả, tôi có thể thông cảm cho sự liều lĩnh này bởi các bạn trẻ ấy có hiểu gì về giá trị văn hóa của người dân tộc thiểu số miền núi đâu”. Chị cho biết, trừ chiếc khố bằng khăn Piêu của người Thái, phần còn lại của trang phục chỉ là những món đồ “nhái” thổ cẩm. Đây là một kiểu trang phục đang rất phổ biến ở Tây Nguyên.
Trong khi đó, Doãn Nho, nhạc sĩ sáng tác Chiếc Khăn Piêu, cho biết vật đội đầu này vốn là một vật biểu tượng, mang nhiều ý nghĩa đối với phụ nữ dân tộc. Nó cũng linh thiêng như khăn xếp của người Kinh. “Muốn biến tấu thì phải làm cho nó đẹp lên chứ không nên làm như thế. Tôi thấy họ làm vậy là thiếu thận trọng. Khố là khố, khăn đội đầu là khăn đội đầu. Biến khăn đội đầu thành khố phản cảm lắm”, ông tâm sự.
Đức Trí – Vân An
Trả lời