Dù nổi tiếng với dòng nhạc bolero, nhạc sĩ Đài Phương Trang cho biết, ông dành tâm huyết cho thể loại ca hài hơn.
– Sau loạt ca khúc được yêu mến “Người yêu cô đơn”, “Hoa mười giờ”, “Căn nhà dĩ vãng”… công việc sáng tác hiện nay của ông ra sao?
– Ở giai đoạn 1975, các nhạc sĩ thường đi theo mô-típ viết về những chuyện tình buồn, tâm sự chất chồng trước thời cuộc. Tôi cũng chịu ảnh hưởng một chút từ khuynh hướng đó với nhiều bài hát mà mọi người đã biết. Thực ra, tôi không nghĩ những tình khúc đó sau này lại trở nên phổ biến và khiến khán giả biết đến tôi nhiều hơn. Bởi, đó là những tác phẩm tôi ít đầu tư. Tâm huyết của tôi là nhạc trữ tình và ca hài. Tôi muốn đi một con đường riêng để tên tuổi không lẫn với các nhạc sĩ cùng thời.
Tôi không muốn khán giả nhìn nhận mình như một tác giả của những tình ca buồn, nói theo cách gọi nôm na ngày trước là nhạc “sến”. Hiện tôi đang có hai việc thực hiện song song. Một là sáng tác những ca khúc trữ tình lãng mạn về quê hương, đất nước. Việc còn lại là thử nghiệm mô hình ca hài.
– Ông có thể nói rõ hơn về mô hình ca hài mà ông tâm huyết?
– Ca hài là mang những giai điệu và lời ca dí dỏm đến với công chúng. Chúng tôi sẽ tái hiện ban nhạc ba người giống hồi những năm 1990. Các thành viên mặc khăn đóng, áo dài, hát những giai điệu mang âm hưởng dân ca. Nội dung những bài hát hơi trái khoáy, chẳng hạn như: Chuyện mẹ chồng. Trong ca khúc có nhiều đoạn hát đối thoại trêu nhau. Lời hát khá dí dỏm nhưng luôn có tinh thần xây dựng những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
– Theo ông, khó khăn của mô hình này là gì?
– Tôi ôm ấp mô hình này từ rất lâu và từng lập ban nhạc biểu diễn, nhưng phải ngừng giữa chừng do chưa tìm được người hát cùng ưng ý. Tìm người hát chung rất khó, vì người đó phải thực sự thích hát thể loại này, và hát được những giai điệu mang âm hưởng dân ca.
Vài năm gần đây tôi gặp được nhạc sĩ Tường Vân và rất ưng ý với cách làm việc của anh ấy. Đó là lý do tôi trở lại với tâm huyết của mình.
Đài Phương Trang cho biết, ông không gặp nhiều khó khăn khi còn sáng tác ở tuổi ngoài 70. Ảnh: Thanh Viên. |
– Ông chọn cách nào để phổ biến những ca khúc này tới người nghe nhạc?
– Hiện tại tôi mới thử nghiệm với một sân khấu nhỏ với khán giả là những người yêu nhạc vàng. Tôi chọn cách “hữu xạ tự nhiên hương” để gửi đến công chúng những sáng tác mới. Tôi không đặt quá nhiều kỳ vọng vào việc phổ biến âm nhạc của mình chỉ từ một sân khấu phòng trà. Nhưng, tôi tin tưởng, sản phẩm khi đến một độ chín nhất định sẽ được khán giả biết đến. Hiện tìm được người tâm đầu ý hợp để lập nhóm hát đã là thành công với tôi.
– Khán giả vẫn nhớ đến ông với các ca khúc trữ tình cũ, ông duy trì vị trí của mình thế nào trong dòng “nhạc sến” ?
– Nhạc vàng hay nhạc “sến” cho đến nay vẫn có đối tượng người nghe nhất định và khá đông đảo. Bằng chứng là mỗi lần lĩnh tiền tác quyền, tôi vẫn thấy những bài được cho là “sến” của mình đều xuất hiện, nhiều nhất là bài Người yêu cô đơn.
Tôi vẫn viết thể loại này, nhưng mỗi ca khúc viết ra sẽ được đầu tư kỹ lưỡng hơn. Những ngày đầu bước chân vào sự nghiệp sáng tác, tôi viết khá nhiều, một phần là để đáp ứng đơn đặt hàng của các hãng đĩa, nên nhiều bài chưa được trau chuốt. Đến giờ nghe lại tôi vẫn thấy không hài lòng với một số tác phẩm của mình.
Trước kia, trước khi viết ra mỗi bài hát, tôi thường đặt cho nó một cốt truyện và để nhân vật đi theo mạch cảm xúc trong đó. Nhưng thời điểm này, tôi phải đợi cảm xúc chín, đạt đến độ sâu cần thiết mới đặt bút viết.
– Lý do nào khiến ông ít xuất hiện trước người yêu nhạc nhiều năm qua?
– Tôi có những dự án của riêng mình nên ít tham gia các sự kiện hay những cuộc gặp gỡ trong giới. Tôi còn phải chung tay với các con chăm sóc vợ vì nhà tôi ốm đau thường xuyên.
Nhạc sĩ Đài Phương Trang cùng ban nhạc trong buổi tập ca khúc mới. Ông có buổi biểu diễn vào mỗi tối thứ bảy hàng tuần tại một quán cà phê dành cho người yêu nhạc vàng ở Sài Gòn. Ảnh: Thanh Viên. |
– Cảm xúc về người vợ đi vào các sáng tác của ông ra sao?
– Tôi là nhạc sĩ hiếm khi đưa chuyện mình vào trong ca khúc. Thật khó để nói về mình, về người thân của mình trong một câu chuyện được kể bằng âm nhạc. Những hoàn cảnh, tình huống ngoài xã hội với người quen, bạn bè thậm chí là người xa lạ lại gợi nhiều cảm hứng sáng tác cho tôi. Tình cảm với vợ, tôi thể hiện bằng hành động trong cuộc sống hàng ngày.
Nhạc sĩ Đài Phương Trang tên thật là Phạm Văn Tứ, sinh năm 1940 tại Sài Gòn. Ông còn có bút danh khác là Phạm Vũ Anh Tứ và Quang Tứ. Bắt đầu sự nghiệp sáng tác từ năm 1966, đến nay nhạc sĩ đã có trên 500 tác phẩm. Những tác phẩm được biết đến nhiều của ông là Hoa mười giờ, Căn nhà dĩ vãng, Chuyến xe miền Tây, Tình nghèo có nhau, Ước mộng đôi ta… Trong đó Người yêu cô đơn (viết năm 1973) là nhạc phẩm trữ tình được đông đảo khán giả yêu thích, giúp đưa tên tuổi ca sĩ Tuấn Vũ đến với công chúng yêu nhạc. |
Châu Mỹ thực hiện
Trả lời