Căn bệnh nhồi máu não khiến Văn Vượng phải nhập viện hồi tháng 8. Hiện bàn tay phải của ông vẫn chưa tìm lại được cảm giác, trong khi ông đã “rất ngứa ngáy” muốn được chơi đàn.
Hình ảnh người nghệ sĩ mù gảy guitar bình thản bên nhịp sống phố phường, mở đầu cho phim tài liệu “Hà Nội trong mắt ai” từ lâu đã lưu dấu. Theo đó, cái tên Văn Vượng với lòng đam mê nhạc cụ cũng gắn liền với giới mộ điệu. Ông không nhìn thấy nhưng cảm nhận, hình dung được. Những ngón đàn của ông mấy chục năm qua nói lên điều đó.
Ở tuổi 74, Văn Vượng vừa trải qua cơn tai biến. Trí óc, tâm hồn vẫn không ngừng cảm nhận cuộc sống nhưng một bên tay phải do biến chứng bị liệt đã làm gián đoạn sự nghiệp chơi đàn. Sau 22 ngày nằm tại Viện Lão Khoa trung ương, Văn Vượng trở về nhà tiếp tục điều trị.
Cuộc sống hàng ngày của ông hơn ba tháng qua gắn liền với chiếc ròng rọc tự tạo và chiếc xe đạp phục hồi chức năng ở góc nhà. Mỗi sáng, thức dậy khoảng 6h30-7h, ông vệ sinh cá nhân, ăn sáng xong thì được vợ giúp buộc hai tay vào hai đầu ròng rọc để tập kéo. Buổi chiều, Văn Vượng lại nhờ vợ dìu lên chiếc xe đạp. Nghệ sĩ cho biết, ngày ông đạp mấy trăm vòng, kéo mấy trăm cái, xen kẽ là các bài châm cứu, chườm ngải, tự lấy tay khỏe xoa bóp cho tay liệt chỉ mong mau chóng phục hồi. “Ước gì cái tay này khỏe lại như cũ”, Văn Vượng chỉ vào bên tay phải, hiện đã phục hồi đến cổ tay nhưng bàn tay, ngón tay vẫn không cảm giác.
Nghệ sĩ Văn Vượng tự luyện tập ở nhà. |
Bà Nguyệt, vợ nghệ sĩ Văn Vượng, những ngày này cũng chỉ quanh quẩn ra vào chăm sóc cho chồng. Trước đây, khi chưa bị tai biến, dù mắt không nhìn thấy nhưng Văn Vượng vẫn có thể tự túc mọi sinh hoạt cá nhân. Thậm chí, ông còn thường xuyên bắt xe ôm hay nhờ bạn bè chở khắp nơi, từ Hà Nội cho tới Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng… đi chơi và đi diễn. Nhưng vài tháng nay, do tay phải không thể cử động, mọi sinh hoạt cá nhân của Văn Vượng đều phải cậy nhờ vợ.
Vợ Văn Vượng cho biết, cuộc sống của gia đình bà vốn cũng đủ đồng ra đồng vào khi thu nhập đến từ nhiều nguồn như dạy học, đi diễn, thu âm của Văn Vượng. Từ khi ông đi viện, kinh tế có khó khăn hơn khi mọi công việc đều ngừng lại mà nghệ sĩ lại không có lương. Thời gian Văn Vượng bị bệnh cũng là lúc bà Nguyệt nghỉ công việc xét nghiệm tại Bệnh viện Phổi, lương giảm chỉ còn một phần ba. Cậu con duy nhất của hai ông bà đang học đại học năm thứ ba cũng tốn kém không ít chi phí.
Hơn ai hết, Văn Vượng và gia đình mong ông sớm khỏi. Ngoài việc có thể gánh đỡ vất vả cho gia đình, quan trọng nhất là ông có thể chơi đàn trở lại. Nghệ sĩ gắn bó với cây guitar từ năm lên tám tuổi. Trước đó ông được một người quen chỉ dạy chơi măng đô lin. Văn Vượng ham đến nỗi về nhà tự căng dây chun lên âu trầu bằng đồng để gảy. “Lúc đó tôi tìm đến âm nhạc như một người bạn, sau này lại trở thành người chơi đàn hay và từ đó trở thành nghệ sĩ”, Văn Vượng chia sẻ.
Mặc dù không còn nhìn được từ năm lên bốn do bệnh đậu mùa, Văn Vượng được trời phú cho khả năng ghi nhớ. Ông học chữ nổi, rồi nhờ bạn bè, người thân mua tài liệu hướng dẫn cách chơi guitar, đọc cho nghe và chép lại. “Người sáng mắt thì vừa nhìn nhạc vừa cầm đàn. Mình thì sờ nốt nhạc phải nhập tâm vào đầu, nhiều khi áp dụng vào đàn quên mất lại phải sờ lại”, nghệ sĩ chia sẻ.
Nghệ sĩ Văn Vượng và vợ. |
Năm 1968, từ quê Hải Dương, Văn Vượng lên Hà Nội. Sân khấu đầu tiên là Văn Miếu – Quốc Tử Giám. “Tôi đánh bài Du kích ca. Mọi người thích lắm, vỗ tay yêu cầu đánh lại nhiều lần”. Nói về mối duyên với Hà Nội, Văn Vượng kể: “Tôi nhớ nhất là ngày 27/1/1968, tôi đi trên đường Đinh Tiên Hoàng, nghe loa công cộng phát bài Người Hà Nội. Tôi thích quá quyết tâm soạn bài này và chơi. Từ đó tôi trở thành người Hà Nội”.
Cũng từ đây, Văn Vượng nổi tiếng và được đạo diễn Trần Văn Thủy mời vào bộ phim tài liệu Hà Nội trong mắt ai, sản xuất năm 1982. Đạo diễn còn đề nghị nghệ sĩ sáng tác một bản nhạc. “Bản nhạc sẽ xuất hiện không quá ba phút trong phim, để xem xong người ta vẫn mang máng nhớ về tác phẩm. Không phải lên gân về công trường, nhà máy mà nói về Hà Nội đáng yêu của chúng ta”, Văn Vượng kể lại lời Trần Văn Thủy. Ông sáng tác trong một ngày và 12h đêm tìm đến nhà Trần Văn Thủy thông báo đã hoàn thành bản nhạc có lời Hà Nội trong mắt ai. Văn Vượng cũng nhớ, để đóng cảnh quay đứng trên nóc sân thượng ở Hàng Giấy, lắng nghe tiếng đoàn tàu chạy qua ga Hàng Cỏ, chỉ một phút nhưng cả nhóm làm phim mất ba ngày “chực chờ” đoàn tàu chạy qua và có được cảnh quay ưng ý.
Vợ chồng Văn Vượng trong ngày cưới. Bên phải là nhạc sĩ Văn Cao. |
Các sáng tác của Văn Vượng đều đến từ những sự việc mà ông cảm nhận được từ cuộc sống. Có lần đang đêm, ông cùng người bạn thân dạo bước trên đường Phan Đình Phùng, bắt gặp cảnh một cô gái trách tội người yêu không chung thủy, khóc rấm rứt ở góc đường. Văn Vượng khi về đã sáng tác bài Hãy quên đi đừng khóc nữa.
Trong nhiều tác phẩm tự sáng tác của Văn Vượng, Bầu trời trong tim anh là ca khúc dành cho người vợ kém 20 tuổi của ông. Văn Vượng kể, để đến được với nhau, họ đã trải qua không ít sự cấm đoán, thậm chí cả dọa nạt của người nhà. Nhưng cuối cùng ông thầy dạy guitar và cô học trò – khi đó cũng là học sinh của trường Đại học Y Hà Nội – đã trở thành vợ chồng, chung sống 31 năm qua. Văn Vượng nói, vợ ông là một người phụ nữ “nhã nhặn, lịch thiệp, chịu khó”.
Dù bệnh tật, Văn Vượng tỏ ra khá lạc quan. “Ông trời ông ấy cho cái thời nghỉ phép”, nghệ sĩ cất giọng nói ngọng nghịu vì tai biến. Vợ ông chia sẻ, ngoài những lúc trị bệnh, ông gọi điện khắp nơi trò chuyện với bạn bè. “Có ba cái điện thoại quanh người ông ấy, không khi nào hết chuyện”, bà Nguyệt kể.
* Video: Nghệ sĩ Văn Vượng tập luyện tại nhà riêng |
Hà An
Trả lời