Sau lần tổ chức thứ 27 hồi cuối tháng 10, LHP Tokyo cho thấy một tầm nhìn rộng về việc quảng bá văn hóa và điện ảnh.
Diễn ra tại thủ đô nước Nhật từ 23/10 đến 31/10, Liên hoan phim Quốc tế Tokyo lần thứ 27 (TIFF) đã để lại nhiều ấn tượng cho khán giả yêu điện ảnh ở xứ sở hoa anh đào cũng như đông đảo du khách quốc tế có mặt tại Tokyo trong thời gian này.
Được tổ chức lần đầu từ năm 1985, đến nay LHP Tokyo đã trở thành một trong những liên hoan phim lớn nhất của châu Á. Mỗi năm cứ tới giữa tháng 10, thủ đô Nhật Bản lại sôi động hơn với sự góp mặt của các nhà làm phim đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có cả những ngôi sao có tầm ảnh hưởng của Hollywood và châu Á.
Thủ tướng Nhật Bản – Shinzo Abe – phát biểu trong đêm khai mạc LHP Tokyo lần thứ 27 tối 23/10 ở Roppongi Hills. Ảnh: Nguyên Minh. |
LHP Tokyo lần thứ 27 trình chiếu 105 bộ phim và được chia làm nhiều chương trình, gồm Phim tranh giải (Competition), Các buổi chiếu đặc biệt (Special Screenings), Tiêu điểm Điện ảnh Thế giới (World Focus), Tương lai Điện ảnh châu Á (Asian Future), Crosscut Asia giới thiệu về điện ảnh Thái Lan, Japanese Cinema Splash chiếu các phim nổi bật gần đây của Nhật Bản và The World of Hideaki Anno giới thiệu về các tác phẩm nổi bật trong sự nghiệp của nhà làm phim lừng danh Hideaki Anno.
Sự quan tâm của chính phủ là một trong những yếu tố tạo nên thành công của LHP Tokyo. Đây được coi như sự kiện văn hóa quốc gia. Trong đêm khai mạc, nhiều quan chức cấp cao đã tới tham dự và bước trên thảm đỏ. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng xuất hiện trong buổi lễ và phát biểu trên sân khấu về tầm quan trọng của điện ảnh, của việc quảng bá văn hóa.
Nhật Bản là đất nước có nền văn hóa có ảnh hưởng lớn không chỉ ở châu Á mà cả trên thế giới. Yếu tố truyền thống luôn được coi trọng nhưng không vì thế mà họ đóng cửa với sự tân tiến, hiện đại. Trên thảm đỏ, khán giả có thể thấy rất nhiều đoàn phim Nhật Bản diện kimono sải bước và tạo dáng trước ánh đèn flash của các nhiếp ảnh gia. Hình ảnh những cô gái Nhật nền nã trong trang phục này trên thảm đỏ tạo nên một hình ảnh vừa mang tính “cine” lại vừa thể hiện tinh thần dân tộc rất đậm nét.
So với thảm đỏ nhiều liên hoan phim quốc tế khác, có lẽ thảm đỏ của LHP Tokyo là nơi xuất hiện nhiều phong cách thời trang nhất. Chỉ ngay sau khi những bộ kimono kín đáo, nền nã lướt qua thảm đỏ; khán giả lại được chứng kiến những bộ cánh kỳ dị nhất – từ siêu nhân, robot, xác sống, búp bê… Người Nhật không kỳ thị sự quái dị trong vẻ ngoài mà trái lại, việc một nghệ sĩ càng ăn mặc khác biệt trên thảm đỏ lại càng tạo nên sự độc đáo cho người đó.
Các siêu nhân điện quang xuất hiện trên thảm đỏ đêm khai mạc khiến nhiều khán giả có mặt phấn khích. Ảnh: Nguyên Minh. |
Người dân Nhật Bản thông thường cũng thể hiện sự quan tâm lớn đến điện ảnh. Trong những ngày diễn ra liên hoan phim, toàn bộ các suất chiếu đều gần như kín khán giả và đều phải đặt vé trước (mỗi vé xem phim trị giá 1.300 yen, bằng gần 300.000 đồng). Hình ảnh những nhân viên công chức vẫn còn diện vest, tay xách cặp và hối hả sau giờ làm tới rạp chiếu để kịp giờ xem phim là minh chứng rõ rệt nhất cho sức ảnh hưởng của LHP Tokyo tới người dân. Cũng dễ dàng bắt gặp những người yêu điện ảnh đi xem phim một mình. Sau mỗi buổi chiếu phim, khán giả Nhật thường ở lại và chờ tới lúc dòng chữ cuối cùng của phần credit trôi qua, đèn sáng lên mới bắt đầu vỗ tay và gần như không ai ra khỏi phòng chiếu trước.
Sau mỗi buổi chiếu, phần “Hỏi và Đáp” giữa các nhà làm phim với khán giả cũng diễn ra rất sôi động. Trong buổi chiếu bộ phim The Lesson của Bulgaria – Hy Lạp, đạo diễn Petar Valchanov và nữ diễn viên Margita Gosheva đã rất bất ngờ khi có cả những giáo viên Nhật Bản đi xem phim và nhiệt tình đặt câu hỏi. The Lesson là tác phẩm trong hạng mục tranh giải và có đề tài gây sốc khi kể câu chuyện về một cô giáo đi cướp nhà băng.
Khâu dịch thuật của LHP Tokyo cũng rất chuyên nghiệp. Mọi bộ phim đều có phụ đề tiếng Anh và tiếng Nhật. Trong mỗi buổi giao lưu với các đoàn phim, các phiên dịch viên cũng làm việc hiệu quả, nhanh chóng và không để xảy ra bất kỳ tình huống khó xử nào.
Ban tổ chức LHP Tokyo cũng cho thấy sự tinh tế trong việc lựa chọn phim của nước chủ nhà tham gia ở hạng mục tranh giải. Pale Moon là bộ phim duy nhất của Nhật Bản cạnh tranh với 14 bộ phim quốc tế khác. Thuộc thể loại tâm lý và lấy bối cảnh nước Nhật thập niên 1990, Pale Moon khai thác một đề tài quen thuộc và có thể xảy ra ở bất kỳ đâu – thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ. Tuy nhiên, Pale Moon khéo léo lồng ghép những yếu tố văn hóa mà chỉ có ở Nhật Bản. Từ đó, bộ phim vừa giành được sự đồng cảm của quốc tế, lại vừa có thể kể được một câu chuyện mang đậm tính truyền thống của quốc gia.
Bộ phim được chiếu mở màn, Big Hero 6, lại là một tác phẩm hợp tác giữa Hollywood và Nhật Bản với bối cảnh chính trong phim là một thành phố hư cấu mang tên San Fransokyo (kết hợp giữa San Francisco ở Mỹ và Tokyo của Nhật Bản). Bộ phim chiếu đêm bế mạc, Parasyle, lại cho thấy sự phát triển của công nghệ kỹ xảo của điện ảnh xứ Phù Tang.
Trong suốt 8 ngày diễn ra liên hoan phim, mọi rạp chiếu của Toho Cinemas – hệ thống rạp chiếu phim lớn nhất ở Tokyo đều ngưng các hoạt động thông thường chỉ để chiếu các phim tham gia LHP Tokyo. Các bộ phim mới của Hollywood đều bị đẩy lịch tới sau liên hoan phim, như Gone Girl tới 12/12 mới được chiếu.
Từ trái qua: Đạo diễn Daihachi Yoshida (phim “Pale Moon”), bà Miki Nakatani (thành viên ban tổ chức và là đại sứ liên hoan phim) và ông Yasushi Shiina (chủ tịch LHP Tokyo). Ảnh: TIFF2014. |
Ông Yasushi Shiina, tổng giám đốc LHP Tokyo, đã phát biểu: “LHP Tokyo sẽ là một đầu mối văn hóa giữa các nhà làm phim. Chúng tôi đã lập nên hai giải thưởng mới năm nay để nuôi dưỡng sự sáng tạo của thế hệ trẻ. Tôi hy vọng LHP Tokyo sẽ như một nền tảng để các nhà làm phim trẻ vươn ra thế giới và kể những câu chuyện của mình”.
Theo tiết lộ của ông Yasushi Shiina, tại TIFF năm nay có 431 bộ phim ở khu vực châu Á gửi tới tham dự trong đó có cả 3 phim Việt Nam (nhưng không lọt vào danh sách lựa chọn cuối cùng). Ông Shiina cũng từ chối tiết lộ tên của ba bộ phim này và chỉ nhắn nhủ các nhà làm phim Việt Nam tiếp tục gửi những tác phẩm của mình tới LHP Tokyo. “Chúng tôi hy vọng trong những năm sau có thể giới thiệu tới khán giả Nhật và quốc tế các bộ phim tiêu biểu của Việt Nam vì thế muốn thông qua truyền thông Việt Nam để gửi lời mời tới các nhà làm phim” – ông Shiina nói.
Bên cạnh các hoạt động chính, TIFF còn có thêm chương trình TIFFCOM tạo nên một chợ phim liên kết giữa các nhà sản xuất và tiếp cận các nhà làm phim trên khắp thế giới. Năm nay, bộ phim Quyên của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình cũng được giới thiệu để chào hàng tại đây.
Dù tuổi đời và tiếng tăm có thể chưa được như ba liên hoan phim lớn là Cannes, Venice và Berlin nhưng qua cách tổ chức và tầm nhìn của ban tổ chức cũng như Chính phủ Nhật Bản có thể thấy sức ảnh hưởng của LHP Tokyo trong việc quảng bá văn hóa, du lịch quốc gia. Sự ủng hộ và khuyến khích của LHP Tokyo cũng sẽ tạo điều kiện cho nhiều nhà làm phim trẻ các nước, trong đó có Việt Nam, tìm được cơ hội để đưa câu chuyện của mình lên màn ảnh rộng và tới với đông đảo bạn bè quốc tế trong tương lai không xa.
>> Một số hình ảnh ở LHP Tokyo lần thứ 27
Nguyên Minh
Trả lời