Đạo diễn “Đập cánh giữa không trung” cho hay theo thời gian, tính lãng mạn của chị được tiết chế bớt nhưng vẫn không thể che giấu khi thực hiện phim đầu tay.
– Cảm xúc của chị thế nào khi “Đập cánh giữa không trung” giành được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước, được khán giả đón nhận nồng nhiệt tại LHP Quốc tế Hà Nội?
– Với tôi hay những người làm phim nói chung thì đó là điều hạnh phúc nhất. Tôi rất bất ngờ trước sự quan tâm của khán giả dành cho bộ phim. Ban đầu, tôi nghĩ ba buổi chiếu tại LHP sẽ chỉ có bạn bè, gia đình và các nhà báo nhưng không ngờ có rất nhiều khán giả thông thường. Nhiều người còn nghỉ làm để tới xem phim và thậm chí chịu đứng hoặc ngồi dưới sàn.
Tuy nhiên, tôi cũng lo lắng vì đây là bộ phim cần có không gian phù hợp và trạng thái cô đơn một chút để hưởng thụ. Nếu đông người quá có thể nảy sinh góc nhìn không hợp lý. Tôi và đoàn phim đã rất dụng công để từ những cái nhỏ nhặt nhất xuất hiện trên màn ảnh, khán giả đều cảm thấy cần bỏ thời gian ra để nhìn ngắm. Phản ứng của khán giả qua ba buổi chiếu đã tạo niềm tin, hy vọng cho tôi là nếu có chiếu thương mại, có lẽ phim cũng sẽ không quá vắng khách.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đang là một trong những cái tên gây chú ý nhất của làng điện ảnh Việt Nam năm qua. |
– Khi nào bộ phim sẽ chính thức “đập cánh” tại các rạp chiếu trong nước?
– Ba buổi chiếu tại LHP Quốc tế Hà Nội đã tác động mạnh mẽ đến tôi trong việc phát hành. Ban đầu, tôi dự tính phó mặc hoàn toàn nhưng nay tôi đang tìm hiểu. Các nhà phát hành trong nước nói rằng mùa cuối năm có rất nhiều phim hot, rất khó có thể chen vào nhưng với những gì Đập cánh giữa không trung đã đạt được, tôi có đủ tự tin và dũng khí để đến gặp các nhà phát hành.
Đây là một bộ phim độc lập và đoàn phim của tôi cũng rất nghèo, không thể tổ chức họp báo khi đóng máy, cũng chưa in được poster hay có hoạt động quảng bá gì. Nhưng nhờ tham gia các liên hoan phim và được truyền thông ủng hộ nên khán giả biết tới bộ phim. Tuy nhiên, tôi cũng băn khoăn liệu phim có giữ được sức nóng cho tới lúc ra rạp hay không và liệu phim có được những điều kiện tốt nhất cho khán giả như khung giờ chiếu, phòng chiếu… khi ra mắt hay không.
– Một số ý kiến nhận xét phim của chị “trần trụi, buồn và lãng mạn”. Chị nghĩ sao?
– Tôi là một người rất “sến”, ngay cả trong việc chọn phim để xem. Tôi thích những phim có sự lãng mạn và khi làm phim, tôi muốn hướng tới yếu tố này. Nhưng càng trưởng thành, tôi càng bớt tin vào sự lãng mạn và cảm thấy sự lãng mạn trong cuộc đời không còn nhiều.
Tôi tiết chế dần. Nhưng xét cho cùng, phim có kể về giấc mơ đi chăng nữa thì nó vẫn phản ánh một phần thực tế cuộc đời mình. Nếu xung quanh mình không còn sự lãng mạn nữa thì không thể làm một bộ phim hoàn toàn như vậy. Sự lãng mạn bản chất trong tôi là không thể che giấu nổi khi làm phim.
Hoàng Điệp cùng hai diễn viên của “Đập cánh giữa không trung” là Thùy Anh, Trần Bảo Sơn cùng nhà sản xuất người Pháp – Thierry Lenouvel – xuất hiện trên thảm đỏ LHP Quốc tế Venice ở Italy hồi tháng 9. |
– Ý tưởng về câu chuyện của “Đập cánh giữa không trung” đến với chị như thế nào?
– Từ năm 2008 lúc đang mang bầu đứa con thứ hai, tôi đã bắt đầu phát triển kịch bản. Trước đó, tôi muốn làm một bộ phim mà có chuyện tình yêu, phụ nữ, trẻ nhỏ. Đến một lúc nào đó, tôi quyết định phải viết ra chứ không thể nói mãi là “muốn” được. Tôi đặt bút viết và chọn chất liệu cho nhân vật.
Tôi thích giai đoạn chuyển giao sang tuổi trưởng thành của người phụ nữ và sẽ rất hay nếu có một phép ẩn dụ trong đó. Người phụ nữ khi mang bầu sẽ có sự thay đổi cả về thể chất và tâm lý. Tôi lựa chọn yếu tố đó cho nhân vật nữ chính và ngày qua ngày lại có thêm các nhân vật khác. Ý tưởng ban đầu là nhân vật Huyền, một cô gái chưa đầy 20 tuổi bất ngờ có thai và muốn kiếm tiền để đi phá thai. Các nhân vật đến sau là để giúp nhân vật chính giải quyết vấn đề này.
– Thùy Anh không phải là lựa chọn ban đầu của chị cho vai Huyền. Tại sao vậy?
– Vì trong quá trình phát triển kịch bản, Thùy Anh chưa kịp lớn. Cô ấy làm việc với tôi khi 14 tuổi, trong sitcom Bộ tứ 10A8. Khi ấy, tôi đã nghĩ rằng một ngày nào đó Thùy Anh sẽ trở thành một diễn viên tài năng. Tôi gìn giữ cô gái ấy. Thi thoảng Thùy Anh nói với tôi là “Em muốn đóng phim” và tôi cũng ủng hộ cô ấy đến các buổi casting. Nhưng Thùy Anh không bao giờ được nhận vai khi đi casting các phim truyền hình, một phần vì cô ấy đang là học sinh nên bị phân tán bởi chuyện học.
Tôi đã có suy nghĩ rất ích kỷ là “Cũng hay, Thùy Anh không đóng phim nhiều quá thì cô ấy vẫn giữ được sự tươi mới trong diễn xuất và sẽ là một điều bất ngờ với khán giả sau này”. Khi bắt đầu làm Đập cánh giữa không trung, tôi có nghĩ tới Thùy Anh nhưng không chọn được vì cô ấy còn quá nhỏ, mới 15 tuổi. Tôi không thể đưa một người mà mình coi là em gái, con gái phải đóng các cảnh yêu đương, tan vỡ rồi dính bầu, đi phá thai. Một cô bé còn nhỏ như vậy không thể nào đối diện với tâm lý kiểu thế được. Thùy Anh giúp tôi casting những diễn viên khác và tôi vẫn luôn nói với cô ấy: “Em đang tuổi xem Walt Disney thì em không thể đóng được những vai này”.
Tôi đã chọn Trương Hồ Phương Nga vì gương mặt, vóc dáng, hình thái, biểu cảm trong diễn xuất rất tốt và phù hợp với Huyền. Nhưng đến phút cuối, Nga không đủ mạnh mẽ, lòng tin vào dự án này để có thể thực hiện được những cảnh trong phim. Tôi buộc phải thay diễn viên ở phút chót và rất may là khi đó, Thùy Anh đã qua tuổi 18. Tôi đã rất cẩn thận hỏi cô ấy: “Em đã yêu chưa?” và khi được xác nhận rằng cô bé đã trải nghiệm tình yêu thì tôi mới gửi kịch bản trong đêm.
Thùy Anh lúc này đủ trưởng thành để hiểu điều gì mà nhân vật sẽ phải đối mặt. Cuối cùng, khi cô ấy xuất hiện trên trường quay tôi thấy Thùy Anh đúng là Huyền của Đập cánh. Vai Huyền có lẽ là bất ngờ với Thùy Anh nhưng với những cộng sự của tôi thì họ biết chắc nếu không phải là Phương Nga thì sẽ là Thùy Anh.
– Phim có nhiều cảnh nóng trần trụi. Chị đã làm việc với các diễn viên trong những cảnh này thế nào?
– Tất cả diễn viên đều nói chuyện với tôi rất kỹ lưỡng, không phải về kịch bản mà là về tinh thần câu chuyện. Chẳng hạn, Cao Dương vào vai cô gái điếm bị thương có vẻ bất cần, suồng sã nhưng vẫn phải có sự đàn bà, độ tử tế, nhân hậu thì cô ấy biết mình không thể nào “kín cổng cao tường”, đóng như một tiểu thư được. Diễn viên luôn phải sẵn sàng và thấu hiểu câu chuyện. Thùy Anh thì ngay từ đầu tôi đã nói: “Em đã đủ tuổi để chịu trách nhiệm về hành động của mình nhưng các cảnh trong phim hoàn toàn không dễ dàng”. Khó khăn không nằm ở việc khoe da thịt.
Nếu một diễn viên không có chút cảm xúc nào thì quá dễ để họ có thể phơi bày cơ thể. Cái khó là tâm lý của nhân vật khi thực hiện những cảnh đó. Thùy Anh đã không lường trước được và khi vào vai cô ấy mới hiểu. Tôi nhớ có cảnh Huyền và Tùng làm tình trên mái nhà. Cảnh đó thực ra rất kín đáo, không có gì ghê gớm nhưng khi kết thúc, cả đoàn rất mệt mỏi. Tôi đã không thấy Thùy Anh đâu và sau này được biết, sau cảnh ấy, cô đã vào nhà vệ sinh khóc vì không ngờ ở tuổi 18, Huyền lại bị chà đạp như vậy. Đó đúng là cảm giác của Huyền trong phim.
Thanh Duy cũng bị vai Linh ám ảnh trong suốt một năm và không làm sao xua được cảm giác buồn bã. Thanh Duy có rất nhiều cảnh quay trần trụi tạo cảm giác lạnh lẽo nhưng tôi phải cắt, không phải vì chúng nhạy cảm mà vì câu chuyện cần tập trung vào Huyền. Với tôi, làm việc với các diễn viên về cảnh nóng thực ra lại rất dễ vì hầu hết mọi người chuẩn bị rất kỹ và có ý thức về chuyện đó.
– Chị nhận thấy sự phát triển của phim độc lập thời gian gần đây thế nào?
– Tôi luôn bám sát các nhà làm phim trẻ, ai có dự án nào là tôi đều “lân la tới dòm ngó”. Tôi hiểu rằng các nhà làm phim trẻ có dự án, ước mơ, tay nghề nhưng thiếu quyết tâm, một cú hích để đi từ chỗ còn sơ khai, gom tất cả lại một chỗ trở thành sức nặng thực sự. Tôi thử cố kéo những thứ đó hay mọi người lại với nhau bằng việc này hay việc khác và dần dần cũng thấy có kết quả khả quan. Theo tôi, tìm được người thông minh rất dễ, người có nhiều ý tưởng không khó, người có tay nghề cũng nhiều nhưng tìm được người có quyết tâm sống chết để làm phim thì rất khó và rất hiếm.
Hoàng Điệp bên hai cậu con trai có biệt danh là Đậu Đỏ và Đậu Xanh. |
– 5 năm thực hiện “Đập cánh giữa không trung” là khoảng thời gian khá dài. Trong thời gian ấy, chị đối diện thế nào với chuyện “miếng cơm manh áo” hàng ngày?
– Tôi đã đi dạy được hai năm nhưng tôi cũng như tất cả thầy cô của trường Sân khấu Điện ảnh đều chẳng thể sống nổi với đồng lương giáo viên. Cá nhân tôi thích làm việc với những người trẻ. Tôi muốn biết ai có tài, ai đang cần làm phim và việc dạy học là cách rất hay để tiếp cận những người như vậy. Trước khi nhận được hỗ trợ từ các quỹ điện ảnh quốc tế, tôi đã chuẩn bị một nguồn kinh phí đủ lớn cho Đập cánh giữa không trung. Từ năm 2006, tôi đã làm quảng cáo, truyền hình hay nhiều sản phẩm về mặt truyền thông và tới năm 2011 mới dừng hẳn mọi thứ để tập trung cho bộ phim.
Lúc đang làm truyền thông, quảng cáo, mỗi năm tôi đặt định mức kiếm được một số tiền nhất định, bỏ vào sổ tiết kiệm cho phim, một phần chi tiêu cho bản thân. Tôi cứ kiếm được đủ trong kế hoạch thì dừng. Quãng thời gian đó tôi kiếm được rất nhiều và công việc thì không có gì quá vất vả. Nên phải dừng công việc đó là điều không dễ dàng. Vì tôi mất đi nguồn thu rất lớn còn việc làm phim thì rất mong manh.
– Có lúc nào chị nghĩ mình sẽ làm một bộ phim thương mại, hoàn toàn đi theo nhu cầu khán giả?
– Tôi từng nhận được những lời đề nghị làm phim thương mại từ các hãng phim và đã suy nghĩ rất nghiêm túc về chuyện đó. Tuy nhiên, Đập cánh giữa không trung và bộ phim thứ hai sau đó sẽ là hai cột mốc quan trọng trong cuộc sống của tôi. Chính vì vậy, tôi phải hoàn tất chặng đường ấy và có thể tới dự án phim thứ ba hay thứ tư, tôi sẽ làm một phim hoàn toàn dành cho khán giả. Ở đây cũng cần hiểu nghĩa rộng là “dành cho khán giả” không đơn thuần cứ phải có hài hay ngôi sao. Có thể nói ba buổi chiếu Đập cánh ở LHP Hà Nội cũng là dành cho khán giả.
Ở đó, có thể khán giả không cười nắc nẻ nhưng cảm giác được đắm chìm trong một không khí dù cho là buồn bã cũng hết sức quan trọng. Đối với tôi, khán giả là trên hết. Tôi nghĩ chuyện làm bộ phim với các hãng phim lớn có mục tiêu rõ ràng về mặt thương mại là chuyện không xa. Tôi hoàn toàn không kỳ thị, thậm chí còn thích, còn xem và muốn làm vì nó có độ thú vị, hấp dẫn riêng về tay nghề.
– Chị có thể chia sẻ đôi chút về dự án phim tiếp theo?
– Tôi đang tạm đặt tên bộ phim thứ hai là Câu chuyện buồn nhất thế gian. Nó cũng là một câu chuyện liên quan tới phụ nữ, xoay quanh việc mang thai hay không mang thai. Tôi hy vọng ở dự án này, mình sẽ rút ngắn được thời gian thực hiện so với Đập cánh giữa không trung. Tôi cũng sẽ làm việc với một dàn diễn viên có cả cũ lẫn mới và tôi tin là sẽ có rất nhiều hứng khởi sau mở đầu đẹp như mơ của Đập cánh.
Nguyên Minh thực hiện
Trả lời