Nhìn chung, ngành ngân hàng được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2022, đặc biệt, sự bứt tốc đáng kể sẽ xuất hiện từ quý II khi nền kinh tế trở về quỹ đạo vốn có. Bước sang năm 2022, nhóm nghiên cứu Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định, các chương trình phục hồi nền kinh tế sẽ tác động tích cực lên ngành ngân hàng.
Không chỉ tăng trưởng nhờ kỳ vọng của các chính sách hỗ trợ từ tài khóa đến tiền tệ giúp cho các điều kiện kinh doanh toàn ngành được cải thiện, mà các ngân hàng còn có động lực từ những câu chuyện riêng.
Kỳ vọng tích cực từ gói kích thích
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng nhu cầu tín dụng vẫn phục hồi trong quý IV/2021. Số liệu chính thức được Ngân hàng Nhà nước công bố cho biết, cả năm 2021, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 13,53%, cao hơn rất nhiều so với mức 8,76% tại thời điểm cuối tháng 10/2021.
Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tăng trưởng tín dụng được đẩy nhanh vào cuối năm 2021 đến từ hai yếu tố. Thứ nhất, sự phục hồi kinh tế sau khi mở cửa trở lại của khu vực phía Nam, thể hiện qua sự phục hồi của các chỉ số vĩ mô liên quan đến lĩnh vực sản xuất và bán lẻ. Thứ hai là hạn mức tăng trưởng tín dụng bổ sung được cấp cho một số ngân hàng thương mại tư nhân vào ngày cuối cùng của năm.
Bước sang năm 2022, nhóm nghiên cứu tại VDSC nhận định, các chương trình phục hồi nền kinh tế sẽ tác động tích cực lên ngành ngân hàng.
Cụ thể, các gói cứu trợ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo niềm tin doanh nghiệp, cải thiện lưu thông và dòng tiền, đồng thời giảm tổn thất tín dụng với mức độ tùy thuộc vào quy mô, tiến độ và hiệu quả của gói kích thích và đà phục hồi. Các điều kiện kinh doanh được cải thiện sẽ hạn chế rủi ro tín dụng của nền kinh tế và từ đó thúc đẩy cung – cầu về tín dụng.
Riêng về gói cấp bù lãi suất, VDSC cho rằng sẽ mang lại sự hỗ trợ tích cực cho phía doanh nghiệp nhiều hơn và trực tiếp hơn so với các ngân hàng thương mại. Trong đó, tác động tích cực và dễ nhận thấy của gói kích thích lên kết quả kinh doanh của ngân hàng sẽ thông qua hai cấu phần chính bao gồm tăng trưởng bảng cân đối (tín dụng và huy động) và chi phí dự phòng rủi ro.
Với chính sách tiền tệ hỗ trợ tiếp tục được duy trì trong năm 2022, dự kiến hệ thống ngân hàng sẽ bơm thêm tiền vào nền kinh tế thông qua hạn mức tăng trưởng tín dụng. Kết hợp với điều kiện thanh khoản ổn định trong ngắn hạn, VDSC kỳ vọng tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm 2022.
“Dựa trên mức tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch của các ngân hàng quốc doanh, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng tín dụng toàn ngành vào khoảng 13%, dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 13-14%, tương đương mục tiêu Ngân hàng Nhà nước đề ra”, nhóm nghiên cứu tại VDSC đánh giá.
Đồng thời, VDSC cũng nhấn mạnh, có thể xảy ra bất ngờ theo hướng tích cực. Điều này phụ thuộc vào lạm phát và kết quả của gói kích thích, do đó trong các dự báo trong tương lai có thể tăng lên bất cứ khi nào khi các lý do trở nên vững chắc.
Trái lại, huy động được dự đoán sẽ có sự ổn định trong tăng trưởng. Trong đó, thị trường sẽ chứng kiến sự phục hồi của tiền gửi bán lẻ. Song song, tiền gửi doanh nghiệp vẫn giữ tốc độ tăng nhờ sự hỗ trợ từ các chính sách mở rộng. VDSC dự báo, chênh lệch âm giữa tăng trưởng giữa tín dụng (13-14%) và huy động (10-11%).
Còn rất nhiều động lực khác
Ngoài chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng thì nợ xấu là yếu tố quan trọng nhất khiến các ngân hàng e dè khi đặt kế hoạch lợi nhuận cho năm 2022. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,9% (cuối năm 2020 ở mức 1,69%, tương đương tăng 0,21%); tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu là 3,79%.
Như vậy xét theo tỷ lệ toàn hệ thống, nợ xấu năm 2021 có thể sẽ tăng hơn so với năm 2020. Tuy nhiên, cho tới hiện tại, vẫn chưa có cú sốc nào về nợ xấu xảy ra. Thậm chí, lợi nhuận tăng trưởng khả quan giúp nhiều ngân hàng tăng mạnh chi phí trích lập dự phòng rủi ro.
Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, năm 2022, rủi ro cho nợ xấu ngân hàng là Thông tư 14 về cơ cấu nợ không được gia hạn. Song ngay cả khi trường hợp này xảy ra, tình hình cũng không đến mức báo động, vì nền kinh tế đang dần phục hồi, khả năng trả nợ của doanh nghiệp cũng được hồi phục. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng đã trích lập dự phòng 100% cho nợ cơ cấu.
“Rủi ro tín dụng chỉ có thể xảy ra với các ngân hàng yếu kém và các ngân hàng có bộ đệm dự phòng mỏng. Chúng tôi vẫn lạc quan về triển vọng của các ngân hàng đã trích lập dự phòng trước hoặc trích lập dự phòng đầy đủ cho dư nợ cơ cấu”, chuyên gia phân tích SSI đánh giá.
Theo giới chuyên môn, động lực cho lợi nhuận ngân hàng 2022 còn đến từ những câu chuyện riêng. Cụ thể, kết quả kinh doanh năm 2022 của BIDV có thể đột biến phụ thuộc vào các định hướng tới đây của ngân hàng. Theo đó, BIDV không xin nới tỷ lệ sở hữu nước ngoài, song ngân hàng có kế hoạch phát hành riêng lẻ và vẫn đang chờ Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho mở rộng danh sách đối tác phát hành.
Với Vietcombank, trong trường hợp ngân hàng này tiến hành cấu phần phát hành riêng lẻ, thì đây sẽ là động lực tăng trưởng bổ sung lớn. Còn động lực của Vietinbank đến từ thương vụ Manulife và các thương vụ thoái vốn.
Tại nhóm ngân hàng tư nhân, Techcombank là ngân hàng duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao ổn định và dự kiến vẫn duy trì khả quan so với toàn ngành trong quý IV/2021 và các quý năm 2022 nhờ NIM, thu ngoài lãi và chi phí dự phòng.
Hay như tại MB, chi phí dự phòng giảm sẽ là động lực tăng trưởng lợi nhuận chính năm 2022. Kết quả kinh doanh quý IV/2021 của ngân hàng dự kiến tăng mạnh so với cùng kỳ nhờ NIM cải thiện mạnh.
Tại HDBank, ngân hàng dự kiến sẽ có kết quả kinh doanh quý IV/2021 và quý I/2022 khả quan hơn so với bình quân ngành nhờ NIM, tăng trưởng tín dụng và chi phí hoạt động. Về OCB, ngân hàng dự kiến sẽ hoàn tất phát hành 70 triệu cổ phiếu (5,1% tổng số cổ phần đang lưu hành) cho đối tác chiến lược trong quý I. Trong khi VPBank sẽ tái đàm phán hợp đồng bancassurance với AIA.
Đáng chú ý, cuộc đua đẩy mạnh chuyển đổi số ngành ngân hàng đang diễn ra hết sức sôi động. Điều này chủ yếu hướng đến mục tiêu thu hút tiền gửi không kỳ hạn nhằm cố gắng bù đắp sự suy giảm của lãi suất cho vay do miễn, giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Nhìn chung, khi được hỏi về triển vọng lợi nhuận năm 2022, hầu hết các lãnh đạo ngân hàng đều đánh giá tích cực. Cụ thể, tại cuộc khảo sát do Ngân hàng Nhà nước vừa thực hiện, có tới 95% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương, 3% kỳ vọng không đổi và chỉ 2% lo ngại lợi nhuận giảm.
Tuy nhiên, nếu chỉ xét trong quý I năm nay, có 49,5% tổ chức tín dụng kỳ vọng kết quả hoạt động kinh doanh tăng trưởng so với quý IV/2021, trong đó chủ yếu là “tăng nhẹ”. Đồng thời, có 42,6% tổ chức tín dụng kỳ vọng “không đổi” và 7,9% lo ngại kết quả hoạt động kinh doanh suy giảm nhẹ. Điều này có thể hiểu rằng, sự bứt tốc về lợi nhuận ngành ngân hàng được kỳ vọng xuất hiện từ quý II năm nay.
NLĐO – Địa ốc – RSS Feed
Nguồn: Sưu Tầm
Trả lời