Sửa chữa nhà cửa, trang hoàng lại không gian sống vào thời điểm cuối năm cũ đầu năm mới luôn là câu chuyện mang tính thường niên. Vấn đề “đến hẹn lại… sửa” này theo thời gian tuy là chuyện riêng của mỗi nhà nhưng dần dà thành ra chuyện chung thiên hạ.
Ảnh tư liệu KT&ĐS.
Ai cũng ít nhiều tặc lưỡi “thôi thì mỗi năm cũng chỉ một lần”. Nhiều người quan niệm cả năm bận rộn mưu sinh, đến cuối năm mới nhìn ngó lại ngôi nhà, lên kế hoạch sửa chữa, dọn dẹp, như một dịp để trở về, chăm sóc gia đình và bản thân.
Nhưng cuối năm cũng luôn là thời điểm nhạy cảm với bao bộn bề lo toan của năm cũ, chuẩn bị chào đón một năm mới hy vọng an lành thịnh vượng hơn năm trước. Vì thế, dịp “nhà bao việc” thế này có phải là thời điểm thích hợp sửa chữa nhà cửa hay không, và sửa sao cho đúng?
Phân biệt làm đẹp với bảo trì nhà cửa
Ngôi nhà cũng như là cơ thể con người, nên có lịch khám sức khỏe định kỳ, lâu lâu phải “dọn dẹp, chỉnh đốn” nhan sắc, thần thái… không ít thì nhiều. Bởi đó luôn là biện pháp tối ưu nhất giúp phát hiện kịp thời các vấn đề trục trặc, bởi “nhà bền tại người” giúp giảm thiểu những sự cố đột xuất xảy ra vào những thời điểm không mong muốn, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian “điều trị”.
Việc chủ động bảo dưỡng, vệ sinh thiết bị (như hệ thống điều hòa nhiệt đô, điện, cấp và thoát nước…) cũng sẽ giúp các gia đình tránh bị rơi vào tình cảnh không gọi được thợ hay bị “chặt chém” do tình trạng “cháy thợ” vào mùa cao điểm, nhất là trong dịp tết hoặc lúc giãn cách xã hội vì bệnh dịch, như thời gian vừa qua.
Vì vậy, việc sửa nhà cuối năm đối với những người lo xa, có kiến thức về xây dựng và kinh nghiệm xây sửa nhà không đơn thuần là “làm đẹp dịp sự kiện”, mà thực chất chính là vấn đề bảo trì – duy tu nhà cửa trong quá trình sử dụng. Hiểu rõ vấn đề này thì sẽ không mơ hồ hay cho rằng “có gì mà bày vẽ”, khi hàng năm nhà luôn cần định kỳ chăm sóc, vệ sinh và bảo dưỡng
Anh T. ở quận 7, từ lúc cao điểm mùa nóng cũng vì lo Covid nên không dám dùng máy lạnh, đến khi bớt giãn cách, bật lại thử thì thấy máy lạnh trong phòng trục trặc, mới gọi thợ đến kiểm tra tổng thể, lòi ra một “đống bệnh”, sửa tới sửa lui mất cả tuần lễ, cuối cùng quyết định thay mới đến 2 máy trong tổng số 6 máy điều hòa toàn nhà.
Chú A. nhà ở Bình Thạnh, cứ nghĩ, chỉ cần lăn sơn lại một nước, là có thể “thay áo mới” cho tường nhà để đón tết. Nhưng chú đã phải… mòn mỏi đợi thợ với vô số cuộc gọi “anh cứ hẹn nhưng anh đừng đến nhé” vì họ có lịch kín hết rồi. Còn được hôm thợ đến, sau khi làm một vòng kiểm tra hiện trạng thì phát hiện rất nhiều chỗ bong tróc, nhiều vết răn “chân chim”, thậm chí có những mảng tường trong lần sơn trước đã chọn màu sắc rất đậm… Để sơn lại mảng tường, ngỡ như trong… quảng cáo, nhưng không đơn giản vậy. Cần phải qua rất nhiểu công đoạn: từ kiểm tra độ bám dính của sơn cũ, chà sạch tường hiện trạng, đến xử lý các vết nứt, lớp bong tróc… chắc chắn sẽ khiến nhà cửa bụi bặm cũng như thời gian xử lý kéo dài lâu hơn như dự kiến .
Chị V. nhà ở Thủ Đức, dự kiến ra giêng sẽ cưới vợ cho con, nhà thì cũng còn khá mới, nên chỉ dự định sửa sang lại 1 căn phòng trên tầng 2 cho đôi vợ chồng trẻ. Khi cần thêm chi tiết trang trí, hay lắp thiết bị thì mới phát hiện nhiều bất cập của hạ tầng cũ, kéo dây dưa ra cả các tầng khác, kết quả là gần như cả ngôi nhà bị xới tung lên. Do không lường trước được khối lượng công việc, làm đến đâu tính đến đó, thầy thợ thì vừa do cuối năm khan hiếm, vừa vừa quê tránh dịch chưa lên kịp, nên thời gian thi công bị kéo dài, bữa có bữa không. Chủ lẫn thợ đều rất mệt mỏi.
Luôn có giải pháp thay thế
Cho dù vô số sức ép về tiến độ, nhân công, kỹ thuật từ cơ bản đến phức tạp trong việc sửa nhà như vậy, nhưng không có nghĩa là hết cách xử lý. Không ai là không thể thay thế, không giải pháp nào là bất biến. Sửa nhà cuối năm, khó mà cũng dễ, nếu hoạch định sớm.
Ví dụ, nếu mục tiêu chỉ là làm đẹp một căn phòng hay mảng tường đón năm mới, thì thay vì sơn nước rất dễ kéo theo bụi bặm tốn kém, nên chọn giải pháp dán giấy cho tường, cho những mảng nào cần trang trí. Hiện trên thị trường có rất nhiều mẫu mã giấy dán tường từ bình dân đến cao cấp, bền đẹp, dễ làm, nhanh gọn và không bụi bặm trong quá trình thi công.
Chính vì định kỳ sửa nhà mang tính bảo trì đi cùng với làm đẹp, nên hàng năm cần lên kế hoạch sớm. Việc lập danh sách cụ thể những vị trí cần làm đẹp, và những công việc nào mang tính đương nhiên phải kiểm tra, duy tu kỹ thuật. Vị trí nào còn băn khoăn thì nên trao đổi thêm với những người trong gia đình, bạn bè có kinh nghiệm… để được tư vấn hợp lý.
Sau khi đã lập được danh sách thứ tự ưu tiên hạng mục sửa chữa, hãy liên hệ một vài nhà thầu sửa nhà quen biết, uy tín (hiện có nhiều kênh dịch vụ trên truyền thông, mạng internet…) để nhờ họ tư vấn, khảo sát công trình và lập bảng dự toán, thậm chí là bản vẽ thiết kế cần thiết, tránh phát sinh ngoài tầm kiểm soát. Không nên sửa nhà theo kiểu ngẫu hứng, đứng tại chỗ “chỉ tay năm ngón” vì sửa chữa luôn dễ phát sinh.
Thà mất lòng trước…
…còn hơn sau này tranh cãi, mâu thuẫn vì thỏa thuận thiếu rõ ràng. Một bảng báo giá tốt sẽ thể hiện đầy đủ rõ ràng các hạng mục, công việc cần sửa chữa, trên nguyên tắc “sửa gì tính đó”, cụ thể hóa các hạng mục với nhân công và “hành động” cụ thể. Ví dụ như: (1) Lột gạch sàn cũ, chống thấm, ốp lát gạch mới cho nhà vệ sinh; (2) Xả sơn nước cũ, trám trét vết nứt, lăn sơn lót, lăn sơn hoàn thiện… Thậm chí nếu nhà trong hẻm nhỏ khó ra vào, phòng cần sửa nằm trên lầu cao, có thể thợ thầu sẽ phải ghi rõ thêm các công việc như “vận chuyển xà bần, tập kết vật tư” nếu không muốn sau này các bên tranh cãi về công xá, độ khó, lời lỗ… khi quyết toán.
Những mục việc có bụi bặm, cần chi phí, vật tư cho che chắn, chống đỡ tránh rơi rớt, ảnh hưởng hàng xóm… cũng phải ghi rõ khối lượng dự trù, ai chịu chi phí vào báo giá, dự toán. Cần thỏa thuận đầy đủ thời gian dự kiến, tiến độ thi công, nguyên tắc bảo hành. Nếu việc sửa nhà có đụng vào phần kết cấu thì nên có tư vấn chuyên môn hoặc cam kết đảm bảo căn nhà an toàn, không ảnh hưởng đến nhà lân cận…
Ảnh tư liệu KT&ĐS.
Thường trong quá trình thi công sửa chữa nhà cửa ít khi đi theo đúng được kế hoạch đặt ra vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, chi phí và thời gian thi công, biến động về nhân lực… do vậy cần luôn có dự phòng tối thiểu cộng thêm 10-15% thời gian và kinh phí. Nhìn chung, việc sửa chữa nhà phải chú trọng những nguyên tắc sau đây:
– Sửa để đủ dùng: Không làm những gì thừa mà bạn không bao giờ sử dụng đến. Trong trường hợp nếu gia chủ muốn cải tạo, sửa chữa lại toàn bộ ngôi nhà hay cơi nới, sửa lại nhà cũ mới mua… Khi đó cần có bản vẽ thiết kế và dự toán đầy đủ trước khi thi công.
– Sửa cho đúng chỗ: Tập trung vào những chỗ hư hỏng ví dụ chống thấm, sửa đường ống, thay thiết bị… chứ không “nhân tiện” vì đó chính là phát sinh, và gia chủ sẽ quay cuồng trong mê cung phát sinh kéo dài đó.
– Sửa cho đáng và đẹp: Nếu chỉ sửa như bảo trì, các đội thợ chuyên dụng (điện, sơn nước, điện lạnh…) đều làm tốt. Nhưng nếu muốn sửa cho đẹp và khác lạ, đáng đồng tiền bỏ ra thì cần trao đổi cùng nhà thiết kế chuyên nghiệp để có thể tận dụng tốt nhà sẵn có, thậm chí biến nhược thành ưu, biến những chỗ hiện trạng thiếu sử dụng hiệu quả, xuống cấp theo thời gian… thành điểm nhấn hợp lý.
Có một ngôi nhà mới để đón tết là điều mà ai cũng mong muốn. Tuy nhiên thời điểm mà chúng ta nên cân nhắc sửa nhà là 2-3 tháng trước tết. Đây là thời điểm mà thợ xây dựng chưa bận rộn nhiều, chưa bị khan hiếm. Vào thời điểm này, giá vật tư cũng sẽ không đội nhiều vì thế mà nếu có nhu cầu sửa nhà, gia chủ nên chọn thời gian dư dả trước cuối năm để sau đó chuẩn bị tốt hơn cho năm mới. Có vậy thì việc sửa chữa nhà cuối năm mới mang đến cho gia chủ niềm vui và sự thoải mái, tạo nên nguồn hứng khởi cho các thành viên trong gia đình khi đón xuân về.
Theo KS. Hoài Thu, Khoa Thiết kế Nghệ thuật – Đại học Hoa Sen
NLĐO – Địa ốc – RSS Feed
Nguồn: Sưu Tầm
Trả lời