Giá thuê bất động sản công nghiệp vẫn leo thang trong đợt dịch mới do nguồn cung hiện hữu đang cạn dần. Trong quý II, mức tăng của giá thuê trung bình tại các tỉnh và thành phố công nghiệp chính tại miền Bắc giao động từ 0% đến 5%.
Giá thuê khu công nghiệp tăng trong dịch. Ảnh: Lê Xuân
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong quý II, hoạt động kinh doanh bất động sản công nghiệp vẫn duy trì được ổn định về cả giá thuê và tỷ lệ lấp đầy.
Tỷ lệ lấp đầy trung bình tại các tỉnh và thành phố công nghiệp chính tại miền Bắc (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng) đạt khoảng 80%. Nếu tính thêm các tỉnh lân cận (Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Giang) thì tỷ lệ lấp đầy của các dự án khu công nghiệp đạt 69%.
So với năm 2020, tốc độ tăng giá thuê khu đất công nghiệp Việt Nam đã chậm lại ở cả miền Nam và miền Bắc. Trong quý II, mức tăng của giá thuê trung bình tại các tỉnh và thành phố công nghiệp chính tại miền Bắc giao động từ 0% đến 5%, thấp hơn so với mức tăng từ 4% đến 13% trong năm 2020.
Phần lớn giá thuê của các dự án khu công nghiệp vẫn giữ ở mức tương tự tại thời điểm quý IV/2020, trừ một số dự án có vị trí thuận lợi tại Bắc Ninh, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai hay LongAncó mức tăng khoảng từ 5% đến 10%.
Được biết, trước đó báo cáo Savills Việt Nam công bố cho thấy giá thuê bất động sản công nghiệp vẫn leo thang trong đợt dịch mới do nguồn cung hiện hữu đang cạn dần.Việc nguồn cung hiện hữu đã lấp đầy gần hết room và nguồn cung mới cần thêm thời gian chuẩn bị để ra mắt, đã tạo ra đòn bẩy khiến chi phí thuê bất động sản công nghiệp tăng vọt. Những điều này thể hiện thị trường này vẫn nằm trong chu kỳ tăng giá cao.
Dữ liệu thị trường bất động sản công nghiệp mới nhất của đơn vị này ghi nhận tỷ lệ lấp đầy ở khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc tăng so với cùng kỳ. Tỷ lệ lấp đầy tại Hà Nội lên đến 90%, Bắc Ninh (tới 95%), Hưng Yên (89%) và Hải Phòng (73%). Trong khi đó, khu vực phía nam ghi nhận tỷ lệ lấp đầy tại TP HCM là 88%, Bình Dương là 99%, Đồng Nai (94%), Long An là (84%), Bà Rịa – Vũng Tàu (79%).
Với kỳ vọng tăng trưởng xuất nhập khẩu và sản xuất trong nước, nhu cầu cho cơ sở hạ tầng logistics đang được thúc đẩy, trong những năm gần đây, tổng diện tích kho bãi theo quan sát đã tăng đáng kể, và giá đã tăng 5-10% mỗi năm. Trong khi đó, giá thuê trung bình cho nhà kho tại Vùng kinh tế phía Bắc và Nam trong năm 2020 lần lượt là 4,1-4,4 USD mỗi m2 một tháng. Tại các tỉnh như Long An và Bình Dương, những dự án kho bãi và cơ sở phân phối mới đang mọc lên dày đặc khi TP HCM và Bình Dương đối diện với vấn đề thiếu hụt nguồn cung.
Trước đó, báo cáo thị trường khu công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn của Công ty nghiên cứu thị trường JLL Việt Nam cũng cho thấy trong quý II, hoạt động cho thuê đất trong các khu công nghiệp ở TP HCM và các tỉnh lân cận vẫn có doanh thu tốt.
Trong đó, đất công nghiệp ghi nhận các giao dịch mới trong lúc đại dịch bùng phát thể hiện rằng cả chủ đầu tư và khách thuê đã dần tìm ra được các phương án đồng hành cùng đại dịch để tiếp tục hoạt động. Ngược lại, nhà xưởng xây sẵn chứng kiến sự mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp đã hiện hữu hơn là những doanh nghiệp mới.
Theo báo cáo của JLL trong quý, ghi nhận nhiều giao dịch được hoàn tất tại các Khu công nghiệp ở Bà Rịa – Vũng Tàu bất chấp đại dịch bùng phát, các thỏa thuận thuê đất chủ yếu đến từ các nhà sản xuất công nghiệp nặng yêu cầu quỹ đất rộng lớn. Tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn đạt lần lượt 85% và 86%.
Theo JLL, giá đất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng, nhưng giá thuê nhà xưởng xây sẵn chững lại. Đất công nghiệp với vị thế là một hình thức đầu tư sản xuất lâu dài vẫn luôn giữ đà tăng trưởng về giá khu vực, chỉ tăng 0.5% so với cùng kỳ do đại dịch bùng phát, gây ảnh hưởng lớn cho các hoạt động cho thuê của loại hình bất động sản xây sẵn này. Giá thuê đất công nghiệp tại miền Nam dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng. Đối với nhà xưởng xây sẵn, khoảng 940.000 m2 mới sẽ được tung ra thị trường vào cuối năm 2021 nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát và thị trường hồi phục trở lại.
NLĐO – Địa ốc – RSS Feed
Nguồn: Sưu Tầm
Trả lời